Đây là câu hỏi tuy ít gặp trong các diễn đàn và mạng xã hội trên internet, nhưng là một câu hỏi thú vị, và trong các văn bản, văn kiện và phát ngôn chính trị cũng như các nội dung trên sử sách và báo chí đều có cả hai cách gọi này.
Có thể thấy trong nội dung chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam VN ở ngay điều 1:
“Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chánh quyền độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ, thành lập chánh quyền liên minh dân tộc dân chủ.”
Theo chương trình hành động 12 điểm của Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, điều thứ 2:
“Xóa bỏ chế độ thuộc địa trá hình do đế quốc Mỹ đặt ra ở miền Nam Việt Nam, đánh đổ toàn bộ cơ cấu của ngụy quyền bù nhìn tay sai, hủy bỏ Hiến pháp và mọi luật lệ phản dân tộc, phản dân chủ của ngụy quyền xâm phạm đến sinh mạng, tài sản, phẩm giá và mọi quyền lợi khác của người dân, xây dựng chế độ Cộng hòa thật sự dân chủ và tự do, tổ chức tuyển cử theo nguyên tắc bình đẳng thật sự tự do và dân chủ, không có sự can thiệp của nước ngoài.”
Nói một cách khái quát và chung nhất để người nghe dễ hiểu, thì ách thống trị của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 là một ách thống trị thuộc địa trá hình. Thuộc địa, nếu định nghĩa theo khái niệm của Việt ngữ (thay vì khái niệm “colony” của Anh ngữ), là một vùng đất thuộc về một kẻ khác bên ngoài. Như vậy, thuộc địa trá hình có ý nghĩa đó là một vùng miền lãnh thổ nằm trong tầm kiểm soát của người Mỹ nhưng lại ngụy tạo trá hình như nó không phải là của Mỹ, như nó là một quốc gia độc lập với Mỹ.
Về cụ thể, đó là một ách thống trị thuộc địa kiểu mới, nó khác với thuộc địa kiểu cũ ở chỗ chủ nghĩa đế quốc Mỹ chỉ muốn chiếm đóng miền Nam làm một căn cứ địa chính trị lệ thuộc Mỹ và một căn cứ quân sự thuộc Mỹ. Nó không cai trị theo cách roi vọt, bắt người dân làm nô lệ, nô dịch thợ thuyền và công nhân, hay khai thác tài nguyên thuộc địa như chủ nghĩa thực dân Pháp.
Trong giai đoạn 1965-1973, do hệ thống thuộc địa kiểu mới của Mỹ bị lung lay, chủ yếu do sự bất lực của ngụy quyền bản xứ, nên Mỹ dù muốn dù không vẫn phải đem quân đội chính thức vào trực tiếp viễn chinh, giao tranh, trực tiếp quản lý, kiểm soát, trực tiếp tiến hành chiến tranh với quân đội chủ lực để cứu nguy chế độ thuộc địa kiểu mới đang rạn nứt và trên đà sụp đổ.
Do đó, những vùng tạm chiếm ở miền Nam giai đoạn 1965-1973 còn có những đặc điểm của một thuộc địa kiểu cũ. Đây là giai đoạn mà quân lực chính quốc vào trực tiếp làm và trực tiếp đánh, không như giai đoạn ủy nhiệm cho ngụy quân ngụy quyền đánh thay và canh giữ hộ.
Để cứu vãn tình hình tiêu cực của Mỹ trong khi các lực lượng chiến đấu của họ ngày càng lún sâu vào trong “vũng lầy Việt Nam” và ngày càng có nhiều lính Mỹ chết trận, tổng thống Nixon sau nửa năm cầm quyền đã đề ra chiến lược De-Americanization (Phi Mỹ hóa) các hoạt động quân sự trên chiến trường Việt Nam.
Ban đầu Nixon và các nhà lãnh đạo Mỹ định dùng thuật ngữ De-Americanization. Nhưng sau đó Bộ trưởng quốc phòng Melvin Laird cho rằng cách gọi này đã gián tiếp thừa nhận việc Hoa Kỳ đã xâm lược miền nam Việt Nam, thú nhận lộ liễu vai trò đầu não, trung tâm, và trách nhiệm chính của họ trong cuộc chiến. Do đó, ông đề nghị dùng một danh từ nào đó không nhắc gì đến Mỹ. Theo đó, cái tên mới “giấu Mỹ xuống phía sau” là Vietnamization (Việt Nam hóa) đã được sử dụng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird khi đó đã miêu tả chính sách này trong tài liệu công khai của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ như sau: “Phát triển, trang bị, và huấn luyện quân đội Nam Việt Nam và phân công họ ngày càng nhiều vai trò chiến đấu hơn, đồng thời đều đặn giảm bớt số lượng của quân nhân chiến đấu Mỹ.” (“Expand, equip, and train South Vietnam’s forces and assign to them an ever-increasing combat role, at the same time steadily reducing the number of U.S. combat troops.“)
Việt Nam hóa chiến tranh nhìn chung là sự tiến hành chiến tranh bằng người Việt Nam, nói cụ thể hơn là một chiến lược chiến tranh của Hoa Kỳ nhằm từng bước chuyển giao lại vai trò thực hành quân sự cho quân đội ngụy, từng bước biến các cuộc chiến giữa người Mỹ và người Việt thành giữa người Việt với nhau, dùng người Việt đánh người Việt, “thay màu da trên xác chết” (nghĩa là thay xác chết da trắng bằng xác chết da vàng, nguyên bản câu nói của đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker, làm việc ở Việt Nam từ năm 1967 đến 1973, về chương trình Việt Nam hóa chiến tranh là: “Thay đổi màu xác chết”). Quân đội Sài Gòn bị đẩy ra thực hành chiến tranh thay cho Mỹ, tương tự chiến lược (Da) vàng hóa chiến tranh mà Pháp đã thực hiện từ năm 1949 trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.
Trong diễn văn từ chức ngày 21/4/1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã thừa nhận rằng Mỹ dù có chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, nhưng trên thực tế nó chưa bao giờ được thực thi thành công: “Người Mỹ đánh giặc ở đây không đánh được, đi về. Đặt ra một cái chương trình Việt Nam hóa, chúng ta chấp nhận, rồi cũng không Việt Nam hóa. Không Việt Nam hóa rồi, hứa rằng Cộng Sản xâm phạm thì sẽ phản ứng, không phản ứng.”
Như vậy, từ năm 1973 đến 1975, những khu vực tạm chiếm ở miền nam Việt Nam vẫn là một thuộc địa trá hình, thuộc địa kiểu mới của Mỹ. “Thuộc địa trá hình” là một cách gọi khái quát cho người đọc dễ hiểu, dễ hình dung. “Thuộc địa kiểu mới” là một cách gọi cụ thể, rõ ràng hơn để phân biệt với chủ nghĩa thực dân và thuộc địa kiểu cũ, tức thuộc địa kiểu cổ điển đã được áp đặt tại Việt Nam dưới thời kỳ thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp.
Thuộc địa kiểu cũ được sử dụng để khai thác tài nguyên và nhân lực, bóc lột lao động, đánh đập, roi vọt, nô dịch và nô lệ hóa nhân dân. Thuộc địa kiểu mới được sử dụng một cách trá hình để phục vụ cho một chiến lược địa chính trị, quân sự, kinh tế của quân xâm lược. Một công khai, một trá hình, được sử dụng dưới các hình thức khác nhau, và cho các mục đích khác nhau.
Nguyễn Nhu