Trong số vô vàn những bài thơ viết về tấm lòng tri ân các thầy, cô giáo, bài thơ "Bàn chân thầy giáo" của Trần Đăng Khoa là một điểm nhấn khá đặc biệt. Đặc biệt từ hoàn cảnh sáng tác, nhân vật trong bài thơ đến những nỗi niềm mà nhà thơ khi ấy vẫn còn là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường gửi gắm; giúp bài thơ tạo nên sức rung cảm lạ kỳ cho những người thưởng thức.

Bài thơ ra đời năm 1972, giữa thời kỳ ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi chiến tranh lan ra miền Bắc, Mỹ sử dụng không quân ném bom rải thảm hủy diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác. Bóng dáng chiến tranh hiện rõ trong bài thơ qua những hình ảnh cụ thể, trực tiếp như "Phượng đổ ngổn ngang, mái trường tốc ngói/Mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi". Chỉ ba hình ảnh cô đọng như vậy thôi nhưng cũng đủ tạo nên sự xót xa thấm đẫm vì sự tàn phá của chiến tranh đã lan vào trường học, nơi lẽ ra phải được yên bình nhất. Cũng chính vì sự xót xa ấy thôi thúc nên người thầy trong bài thơ đã cầm súng lên đường đi chiến đấu. Trong những năm tháng chiến tranh, thực tế là huyện Nam Sách, quê nhà của Trần Đăng Khoa đã có khá nhiều giáo viên nhập ngũ. Hình ảnh của người thầy giáo - chiến sĩ gây xúc động mạnh cho người đọc khi tinh thần yêu nước hòa quyện với tình yêu, trách nhiệm dành cho các thế hệ học trò. Thầy để lại "bài tập đọc còn dang dở" chính là để các em sẽ có được những tiết học vẹn tròn, bình yên trong tương lai.

Nhưng bóng dáng của cuộc chiến tranh có lẽ rõ nét và ám ảnh nhất trong hình ảnh mang tính biểu tượng của bài thơ: "Bàn chân thầy giáo". Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh người thầy giáo thương binh phải ngồi trên ghế giảng bài bởi "một bàn chân đâu rồi". Rõ ràng ai cũng biết, cũng hiểu thầy giáo đã để lại bàn chân ấy trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc. Nhưng sự mất mát đó vẫn gợi lên trong học trò nhiều xa xót băn khoăn. Hình ảnh bàn chân được khắc họa đầy xúc cảm: "In lên cổng trường những chiều giá buốt/In lên cổng trường những đêm mưa dầm/Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo". Chỉ cần chứng kiến dấu vết của đôi nạng in lại cũng đủ thấu hiểu sự vất vả của thầy. Những vần thơ dường như rơm rớm.

Nếu như chỉ dừng ở đó thì cảm xúc thơ dường như quá thông thường, chỉ là sự sẻ chia với mất mát của người thầy giáo thương binh. Nhưng Trần Đăng Khoa đã nâng tầm cảm xúc, suy ngẫm từ hình ảnh bàn chân thầy giáo. Cái kết của khổ thơ thứ 3 thật sâu sắc: "Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo/Như nhận ra cái chưa hoàn hảo/Của cả cuộc đời mình". Từ sự mất mát về thể xác của người thầy trong chiến tranh, những người học sinh soi vào đó như soi vào tấm gương lớn sáng trong để nhận ra những gì còn khiếm khuyết của mình. Biện pháp tạo sự tương phản từ những chi tiết tưởng như tương đồng được vận dụng một cách chặt chẽ, tài tình trong 3 câu thơ này. "Bàn chân thầy giáo" là hình ảnh thực về sự mất mát nhưng lại là biểu tượng của sự cống hiến hy sinh. Nó đối lập với "cái chưa hoàn hảo" của những học sinh đang trong quá trình rèn luyện để trưởng thành. Đứng trước sự mất mát hữu hình nhưng vẹn tròn về nhân cách, ý chí của người thầy, người học trò nhận ra những khiếm khuyết vô hình mà mình cần phấn đấu để điều chỉnh, lấp đầy.

Từ những cảm thức đó của nhà thơ, hình ảnh bàn chân thầy giáo được nâng tầm thành biểu tượng của sự dẫn dắt, chỉ đường cho lớp lớp học sinh tiến bước. Nghĩ về bàn chân thầy giáo, cậu học trò như thấy hiện ra trước mắt mình những cuộc chiến đấu ác liệt nơi chiến trường xa, nơi có biết bao người chiến sĩ anh dũng chiến đấu để tạo dựng tương lai bình yên cho quê nhà. Bàn chân thầy giáo là chỉ dấu cho người học trò trên con đường trui rèn phẩm chất, phấn đấu được cống hiến, đóng góp cho đất nước, quê hương. Hai câu kết bài thơ là lời khẳng định vừa mạnh mẽ lại vừa thiết tha: "Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất/Vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời...".